Cách bảo quản máy ảnh, ống kính dành cho người mới sử dụng
Với những người chơi ảnh, việc lens bị lên mốc thực sự là thảm hoạ (nhất là với những ống kính có giá trị cao). Ngoài việc hư hại thiết bị thì chất lượng ảnh chụp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lens góc rộng chụp phong cảnh.
Nấm mốc máy ảnh có từ đâu?
Trong tự nhiên, bào tử nấm siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy có ở khắp mọi nơi – từ không khí mà chúng ta hít thở cho tới mọi bề mặt chúng ta chạm vào. Chính vì vậy, các anh chị phải chấp nhận sự thật rằng: nấm có thể phát triển ở mọi nơi, kể cả bên trong ống kính hay trên cảm biến - trái tim của chiếc máy ảnh đắt tiền. Việc tránh bị nấm mốc cho máy ảnh hay ống kính gần như là không thể, ngay cả với những ống kính cao cấp của Leica! Cách duy nhất để tránh những thiệt hại không mong muốn do mốc gây ra là không để chúng có cơ hội sinh sôi nảy nở thêm bằng việc cách ly các thiết bị với các yếu tố gây phát triển mốc.
Rễ tre là như thế nào?
Chúng ta thường nghe giới nhiếp ảnh nói đến khái niệm "ống kính bị rễ tre". Điều này được hiểu như sau: những đoạn trắng dạng tia mà mắt thường có thể nhìn thấy trên ống kính chính là rễ của nấm mốc. Từ bào tử nấm ban đầu, các đoạn rễ này lan đi khắp nơi để thu thập chất dinh dưỡng, cung cấp cho sự phát triển của nấm. Khi nguồn dinh dưỡng hết, nấm sẽ chết và để lại “xác” trên vị trí mà chúng sinh sôi – bao gồm cả các đoạn rễ lan lung tung có hình dạng như rễ tre. Trong trường hợp nguồn cung dồi dào, nấm sẽ phát triển mạnh mẽ, thậm chí che kín toàn bộ các thấu kính hay cảm biến và lây lan từ thiết bị này sang thiết bị khác. Tệ hơn cả, hợp chất tiết ra từ các đoạn rễ sẽ làm hỏng lớp tráng phủ (coating) thấu kính hay cảm biến – gây hỏng vĩnh viễn thiết bị.
Nguyên nhân dẫn tới nấm mốc
Về cơ bản, những yếu tố giúp cho nấm phát triển từ bào tử nấm mốc bao gồm: thiếu ánh sáng mặt trời, nguồn dinh dưỡng và hơi ẩm. Trong đó, chất dinh dưỡng là thứ có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau – từ các khoáng chất sử dụng cho thấu kính hay dấu vân tay, các tế bào chết, sợi sinh học… Việc tránh các thành phần này gần như là bất khả thi trong điều kiện sử dụng hàng ngày bởi thậm chí ngay cả dầu bôi trơn các thành phần ống kính hay sơn phủ trên bề mặt thân ống cũng đã chứa đủ dinh dưỡng cho các loại kí sinh khó chịu này rồi.
Độ ẩm (thường trên 60%) là yếu tố thứ 2 giúp nấm mốc sinh trưởng. Trong điều kiện bảo quản và sử dụng thông thường thì việc tránh độ ẩm cao cũng là không thể. Nếu không có sự kết hợp với chất dinh dưỡng như đã nói ở trên, chỉ hơi ẩm không thì cũng rất khó giúp nấm phát triển. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vô tình kết hợp hai yếu tố này lại với nhau mà không hề hay biết. Hãy thử hình dung các anh chị bị một hạt bụi dính lên kính và thổi nó đi bằng miệng theo thói quen. Dù không thể thấy bằng mắt thường, một cú thổi ấy cũng có thể cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng “phủ” lên bề mặt thấu kính hoặc cảm biến. Thậm chí đẩy bụi vào các ngóc ngách bên trong thiết bị - tạo điều kiện cho nấm phát triển. Với một số loại ống kính, việc zoom ra vào cũng sẽ bơm không khí vào bên trong kết cấu phần cứng (và bụi cùng các tạp chất sẽ đi cùng vào!).
Cuối cùng, như đã đề cập, sự thiếu hụt ánh sáng mặt trời là yếu tố còn lại. Với những người đam mê nhiếp ảnh, bộ sưu tập ống kính hoặc thân máy của họ thường khá đồ sộ dù không phải lúc nào họ cũng sử dụng tới tất cả. Việc cất giữ các thiết bị trong chỗ tối (tủ, túi xách, ngăn kéo bàn…), tránh ánh nắng mặt trời (vốn phát ra các tia tử ngoại và bức xạ có tác dụng diệt nấm) trong thời gian dài sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ống kính hay cảm biến máy ảnh bị mốc?
Thông thường khi nấm mốc phát triển trên ống kính thường rất khó phát hiện nếu chúng ta chỉ chụp mà ít khi soi kỹ các file ảnh xuất ra. Nếu là nấm xuất hiện trên cảm biến, những đoạn rễ tre sẽ xuất hiện ngay trên mọi bức ảnh như hình dưới đây – bất kể là các anh chị chụp ở chế độ nào. Với các loại máy ảnh không gương lật (mirroless), bạn có thể nhìn thấy vết rễ nấm dễ dàng trên cảm biến mỗi lần tháo lắp ống kính. Còn với máy DSLR, các anh chị cần vào Option của máy để lật gương lên mới tiếp cận được cảm biến (đây cũng là một trong những lý do khiến người dùng ít khi phát hiện sớm hiện tượng lạ xuất hiện trên cảm biến).
Hình ảnh 1 cảm biến máy ảnh bị mốc và sau khi được lau sạch
Ngoài thấu kính và cảm biến, dĩ nhiên, nấm cũng có thể phát triển trên nhiều bộ phận khác của ống kính, máy ảnh. Nếu xuất hiện ở các thành phần cơ học, cơ cấu chuyển động, chúng sẽ ăn mòn các chi tiết kim loại, làm giảm tính chính xác trong vận hành, kẹt lá khẩu, làm nặng vòng zoom hoặc vòng lấy nét, chập mạch điện… và rất nhiều rủi ro khó lường khác.
Với nấm phát triển trên ống kính. Ban đầu, những bức ảnh chụp ra sẽ không thể hiện nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên với những ảnh chụp khép khẩu hẹp (từ f/5.6 trở lên), các vết đen sẽ xuất hiện rõ ràng trên tác phẩm xuất ra (gần tương tự như khi nấm xuất hiện trên cảm biến). Khi mốc xuất hiện dày đặc trên các thấu kính, hình ảnh chụp ra sẽ mất dần độ tương phản và trở nên nhạt nhoà. Nhiều hiệu ứng quang học tiêu cực cũng xuất hiện trên một phần hoặc toàn bộ khung hình.
Cách phòng tránh hiệu quả
Để giữ an toàn tối đa cho những thiết bị ảnh quý giá (và thường là đắt tiền) của mình, các anh chị nên cân nhắc một số phương án dưới đây:
1. Luôn cất thiết bị trong hộp chống ẩm hoặc tủ chống ẩm chuyên dụng. Các sản phẩm chống ẩm này thường đi kèm ẩm kế cho biết mức độ ẩm hiện tại. Các anh chị nên để mắt thường xuyên tới giá trị của ẩm kế để biết tình trạng (thông thường nên duy trì dưới 55%). Tủ chống ẩm trên thị trường có giá bán dao động từ trên dưới 2 triệu đồng tới vài chục triệu đồng tùy kích cỡ và hiệu năng.
Nếu điều kiện tài chính hạn chế, các anh chị có thể chọn mua (hoặc tự tạo) hộp chống ẩm (gồm hộp nhựa kín, bỏ gói silicat hoặc máy hút ẩm, ẩm kế vào trong). Tuy nhiên phương án này sẽ không thực sự phù hợp nếu bạn thường xuyên sử dụng máy ảnh mỗi ngày hoặc có số lượng thiết bị lớn. Việc phải thường xuyên thay thế hạt chống ẩm cũng gây khá mệt mỏi.
Hộp chống ẩm máy ảnh tự tạo
2. Tập thói quen vệ sinh thiết bị chụp ảnh sau mỗi lần sử dụng bằng đồ vệ sinh chuyên dùng – đặc biệt là sau mỗi lần tác nghiệp ngoài trời mưa hay ở các khu vực bụi bặm. Tuyệt đối không dùng tay hoặc các loại giấy lau, khăn lau thông thường để lau lên bề mặt thấu kính hoặc cảm biến. Tốt nhất nên thường xuyên mang theo 3 món đồ vệ sinh trong balo hoặc túi máy ảnh: chổi quét bụi, bóng thổi bụi & khăn lau lens.
Trước khi cất máy trở lại tủ (hoặc hộp), các anh chị cần đảm bảo thiết bị không bám bụi bẩn, mồ hôi hay có nước bám. Nếu quan sát thấy bề mặt ống kính có bám bẩn, nên lau nhẹ bằng loại khăn hoặc giấy lau chuyên dụng (không bung sợi) - chú ý lau nhẹ tay tránh việc chà xát mạnh có thể gây tróc lớp tráng phủ ống kính, lúc đó là thấy mẹ luôn đó :))
3. Tháo lắp ống kính ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Khi thay ống, các anh chị tập thói quen hướng đầu kính xuống dưới, tránh cho vật lạ hoặc nước rơi rớt vào cảm biến hoặc vào thấu kính trước.
4. Thường xuyên giặt sạch balo/túi máy ảnh và bắt buộc phải phơi nắng cho khô hoàn toàn bề mặt bên trong bởi lẽ chất liệu vải – mút của các loại túi sẽ hút ẩm cũng như bụi bặm nhiều trong các hành trình và rất lý tưởng cho nấm mốc phát triển, lây lan. Tốt nhất nên sử dụng loại ba lô máy ảnh hoặc túi máy ảnh chuyên dụng. Các sản phẩm này có bề mặt phía trong và các vách ngăn Ripstop có tác dụng chống ẩm và chống bụi rất hiệu quả. Tham khảo ở đây nè: CLICK!
5. Khử nấm mốc định kỳ với thiết bị chuyên dụng (tham khảo).
Hiện nay, một số nhà sản xuất thiết bị hình ảnh đã có những giải pháp khá chuyên nghiệp nhằm phòng trừ nấm mốc một cách chủ động. Một trong những sản phẩm rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây tại Việt Nam là đèn cực tím chuyên dụng như của B+W.
Các loại ống kính khác nhau sẽ tiềm ẩn nguy cơ nấm mốc khác nhau. Với các dòng cao cấp hiện đại được che chắn cẩn thận (chống bụi, nước), khả năng bị nấm phát triển cũng sẽ thấp hơn – đặc biệt tốt là các loại có cơ cấu zoom/lấy nét khép kín (không bị thay đổi chiều dài khi thao tác). Trong khi đó, các loại thân máy hay ống kính cổ điển (phần lớn các loại lấy nét tay trước kia), ống giá rẻ… đều đối mặt rủi ro cao. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các loại ống đã bị mở ra để vệ sinh vì lý do nào đó cũng sẽ dễ bị nấm mốc hơn nếu người dùng sau đó không bảo quản thực sự cẩn thận.
Đối với cảm biến máy ảnh thì thường chỉ bị nấm mốc chỉ khi người dùng giữ vệ sinh thiết bị quá kém mà thôi. Những anh chị dùng máy ảnh không gương lật cũng nên tập thói quen giữ vệ sinh cho cảm biến mỗi khi tháo lắp ống kính. Lý do là bởi cảm biến trên các dòng máy này thường không được che chắn bởi gương lật nên dễ bị bụi, nước bám vào trực tiếp bề mặt.
Nên làm gì nếu nấm mốc đã phát triển?
Như đã trình bày với các anh chị ở trên, mọi phương án phòng trừ nấm mốc chỉ là tương đối. Trong trường hợp “xui xẻo” bị nấm hoặc mua phải những thiết bị qua sử dụng đã có nấm mốc tồn tại thì cần làm gì?
Kết cấu các loại ống kính hay thân máy ảnh đều khá phức tạp. Chính vì vậy, việc tự tháo ra để vệ sinh tại nhà là điều cực kì khó khăn – ngay cả với những người dùng có kinh nghiệm. Các anh chị nên đem máy tới các thợ chuyên nghiệp ngay khi phát hiện hiện tượng nấm mốc xuất hiện trên thiết bị ảnh của mình để tránh đối mặt với nguy cơ phá hỏng chúng. Chi phí cho mỗi lần lau mốc cũng không nhiều – chỉ vài chục ngàn tới trên 100k, không đáng để đánh đổi rủi ro chút nào.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng một khi đã bị mốc, chất lượng quang học và hiệu quả vận hành của ống kính cũng như thân máy chắc chắn sẽ không còn được hoản hảo như trước – dù có được vệ sinh sạch sẽ đến mấy. Bị mốc càng nặng, sự suy giảm sẽ càng lớn. Trong khi đó, việc tháo ra để lau chùi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lâu dài, bên cạnh việc mất giá khi có ý định bán lại khi để lên đời. Chính vì thế, với nấm mốc, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì hơn.
Chúc các anh chị luôn giữ được thiết bị sạch đẹp, để có những bức ảnh đẹp!
#tungbalo
-------------------
Dịch vụ giặt vali - vệ sinh vali - giặt túi cần kéo: CLICK VÀO ĐÂY!
► Facebook: facebook.com/shoptungbalo
► Youtube: youtube.com/tungbalo
► Email: info@tungbalo.com - cskh@tungbalo.com - giatvali@tungbalo.com
Mình là Tùng Balo, ham thích chia sẻ kiến thức & kỹ năng. Đây là website & kênh youtube của mình, là nơi mình chia sẻ lại những kinh nghiệm, kỹ năng & các ứng dụng công nghệ cho đời sống đến với tất cả mọi người. Bấm đăng ký kênh để xem thêm nhiều nội dung của mình nhé: youtube.com/tungbalo
© Copyright by Tùng Balo (Do Not Reup)
Vui lòng đợi ...